Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thể hiện tiềm năng bứt phá trong tương lai gần. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Việt Nam đã xây dựng nền tảng cơ bản về thể chế, thiết lập các tổ chức và mạng lưới hỗ trợ, phát triển cộng đồng và văn hóa khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 2 kỳ lân và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung, 208 quỹ đầu tư và khoảng 170 trường đại học, cao đẳng tham gia hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2024, Việt Nam đã thu hút được 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, cho thấy tiềm năng tăng trưởng và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 2 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200, trong khi thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên lọt vào top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. (theo https://www.vietnamplus.vn)
Để tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cần tập trung cải thiện hệ thống quy định pháp lý, tạo hành lang pháp luật thuận lợi cho các thành phố phát triển. Việc tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng rất quan trọng, nhằm tạo cơ hội để các nguồn lực được dịch chuyển hiệu quả, khai thác tối đa tài nguyên và lợi thế bản địa tại các địa phương.
Ngoài ra, cần phát huy vai trò của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xem đây là hạt nhân để phát triển và tích hợp các cụm liên kết khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Những cụm này sẽ kết nối chặt chẽ với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trường đại học và viện nghiên cứu tại các địa phương, qua đó thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và sáng tạo giữa các thành phần trong hệ sinh thái.