Cô gái với khát vọng: “Sâm Việt cho người Việt”
Hồ Nhật Phương (39 tuổi) dù mới chỉ khởi nghiệp "trái nghề" một năm nay, nhưng đã để tạo được nhiều ấn tượng với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp ở vùng đất cố đô Huế.
Từng là nhân viên điều hành du lịch quốc tế, kiêm phụ trách quản lý chi nhánh một doanh nghiệp vận tải du lịch và cũng đã “xất bất xang bang” trong cơn đại dịch Covid-19, Hồ Nhật Phương đã chọn ngã rẽ kịp thời và gặt hái những thành công bước đầu.
Thời gian gần đây, Hồ Nhật Phương có mặt tại nhiều sự kiện trong và ngoài tỉnh, vừa là thuyết trình viên, diễn giả, vừa là người bán hàng... Tại cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2021, dù mới chỉ sau một năm khởi nghiệp, “Mô hình phát triển và đa dạng sản phẩm Sâm Bố Chính gắn liền với Làng nghề - Văn hóa - Du lịch tại Thừa Thiên – Huế” của Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã được trao giải C của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế.
NGÃ RẼ TRONG ĐẠI DỊCH
PV: Tôi hơi bất ngờ vì người khởi nghiệp và mang cây sâm Bố Chính vốn nguồn gốc từ Quảng Bình về “chăm bón” trên đất cố đô Huế lại là một người làm việc lâu năm trong ngành du lịch… Hẳn là chị đã gặp một cơ duyên nào đó?
Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Năm 2020 là một năm khó khăn của với mọi người do đại dịch Covid-19, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là ngành du lịch. Tôi là người quen với công việc trong ngành du lịch, cũng đảm trách giám đốc chi nhánh một công ty vận tải du lịch tại TP. Huế. Từ chỗ có mười mấy đầu xe, hàng chục nhân viên tài xế, đại dịch xảy ra đã khiến công ty phải cắt giảm còn lại rất ít. Lúc ấy, tôi cũng như bao người làm du lịch rất buồn và lo. Trong muôn vàn khó khăn ấy, tôi đến với cây sâm Bố Chính như một nhân duyên.
Số là tôi có hơn 18 năm gắn bó với du lịch, đi nhiều nơi trong và ngoài nước, nhưng cơ duyên lại đến với mình vào năm 2019 khi biết nguồn dược liệu quý sâm Bố Chính ở Quảng Bình. Qua một người anh ở tỉnh Quảng Bình, tôi đã tiếp cận và hiểu biết hơn với loài cây quý này, sau đó thì làm đại diện cho các sản phẩm sâm Bố Chính tại Huế. Qua sự giúp đỡ của một số anh chị, người quen ở Quảng Bình, tôi đã tìm hiểu nhiều về cây sâm quý này và quyết định mở công ty, dồn sức cho hướng đi mới.
Tôi say mê và tự đặt mình vào sứ mệnh lan tỏa giá trị dinh dưỡng của cây sâm Bố Chính đến với cộng đồng. Gần 2 năm tìm hiểu nghiên cứu và ấp ủ một giấc mơ, tháng 10/2021 Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã ra đời, đặt trụ sở tại TP. Huế từ bấy cho đến nay.
Ngay sau khi ra đời, Công ty SBC Hoàng Gia đã có bộ sản phẩm: Sâm tươi, sâm khô cắt lát, bột sâm, sâm tươi ngâm mật ong, rượu sâm, mứt sâm, xà phòng sâm, gà ác tần sâm tiến vua, bồ câu tần sâm tiến vua… Tất cả sản phẩm đều được chế biến đảm bảo theo tiêu chí Xanh - Sạch - Dinh Dưỡng tròn đầy.
PV: Hai năm trước, tôi mới được biết về loài cây quý này từ một hội nghị lớn do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức, phải nói là rất ấn tượng. Trên thị trường hiện nay có nhiều dòng sản phẩm khác, chị tính toán câu chuyện thị trường ra sao?
Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Đây là một loài nhân sâm quý, vốn mọc ở nhiều nơi, nhất là vùng núi của các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Lần đầu tiên loài sâm này được người Chăm phát hiện ở Châu Bố Chính xa xưa (nay là huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cách đây hơn 300 năm, nên chúng có tên là sâm Bố Chính.
Qua nghiên cứu thì đây là sản vật tiến vua từ thời Vua Lê Chúa Trịnh, sau đó bị thất truyền một thời gian dài. Đến năm 2017, người dân Quảng Bình đã nghiên cứu và bắt đầu khôi phục giống sâm Bố Chính. Cuối năm 2019 nhiều sản phẩm làm từ sâm Bố Chính đã ra mắt thị trường và được đưa vào Huế.
Về tác dụng và những giá trị hữu ích của sâm Bố Chính có lẽ để khách hàng, người dùng đánh giá thì hơn. Riêng với công ty chúng tôi, không lâu sau khi trình làng những sản phẩm sâm Bố Chính, sản phẩm của công ty rất được đón nhận và tiêu thụ khá tốt, ngay cả một số lãnh đạo ở một đơn vị trong lĩnh vực y dược tại Huế cũng đã đánh giá khá cao các dược chất, dưỡng chất đối với sâm Bố Chính. Đến nay công ty đã có 10 loại sản phẩm. Bước đầu khách hàng nhiều nhất là ở TP. Huế.
Hiện chúng tôi cũng đang xúc tiến mở rộng đặt cửa hàng trưng bày hoặc showroom, chi nhánh tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM... trong đó có một đối tác lớn tại một tỉnh phía Nam chuẩn bị ký hợp đồng với SBC Hoàng Gia để cung ứng sâm nguyên liệu.
Điều đáng mừng là cây sâm Bố Chính mới trồng thử nghiệm tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng cho thấy khá phù hợp và nhiều triển vọng nhân rộng loài cây này tại A Lưới. Cụ thể, năm 2021, cây Sâm Bố Chính đã được bà con dân tộc trồng tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới với diện tích 2ha. Sau 9 tháng, củ sâm Bố Chính được đem đi kiểm định tại Trung tâm Kiểm nghiệm FAO với kết quả khá tốt: Saponin: 3,53/100g - Omega 3: 0,4mg/100g - Omega 6: 3,9/100g - Omega 9: 27,3/100g - Canxi: 170,4/100g.... và nhiều hoạt chất khác.
"MỘT KHI ĐÃ LÀM THÌ PHẢI CHẤP NHẬN MẠO HIỂM"
PV: Điều gì khiến chị quyết định chọn vùng cao A Lưới là địa bàn để khởi nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và đồng hành lâu dài với đồng bào vùng cao?
Doanh nhân Hồ Nhật Phương: Đó hoàn toàn là nhân duyên! Thông qua một số cuộc hội nghị, hội thảo mà công ty tham gia, chúng tôi đã được gặp, hợp tác với cán bộ phòng ban chức năng của huyện A Lưới. Cây sâm Bố Chính sau đó được quyết định trồng thí điểm tại A Lưới. Năm 2021, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện A Lưới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Quảng Nhâm hướng dẫn, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho 12 hộ dân đầu tiên ở A Lưới đã trồng thí điểm 2ha. Sau khoảng 9 – 14 tháng, cây sâm Bố Chính tại A Lưới đã thu hoạch với hàm lượng, thành phần các hoạt chất đạt kết quả như đã nêu.
Cụ thể là cây sâm Bố Chính nơi đây đảm bảo cơ bản các hoạt chất cần có, nhất là hàm lượng Saponin... Qua đây có thể thấy A Lưới khá phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đối với loài cây này. Cùng với đó là được làm việc với các cán bộ, các anh, các chú, bà con nông dân rất nhiệt tình, thân thiện, tin tưởng ủng hộ việc làm của mình. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để tiến đến mở rộng, xây dựng vùng nguyên liệu trên nhiều địa phương huyện A Lưới, qua đó giúp đồng bào, bà con cải thiện sinh kế, vươn lên làm giàu. Công ty SBC Hoàng Gia cũng sẵn sàng làm đối tác, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm sâm của bà con.
Cũng xin nói thêm A Lưới là huyện vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh, đất đai, tài nguyên môi trường nơi đây đã xanh, sạch; quỹ đất cũng khá dồi dào, chính sách thu hút đầu tư của huyện khá thông thoáng, thủ tục thuận lợi. Đây đều là những hấp lực cho các nhà đầu tư, trong đó có công ty chúng tôi.
Tuy nhiên, không hẳn việc gì cũng suôn sẻ cả. Tại A Lưới qua nhiều cuộc gặp gỡ, chuyện trò, hội thảo, tôi nhận thấy điều khó khăn căn bản là bà con chưa vượt qua chính là niềm tin về làm chủ quy trình, kỹ thuật trồng cây, tạo nguồn nguyên liệu chủ động trong chuỗi cung ứng sản phẩm, qua đó cùng nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, chuyên nghiệp, cùng nhau chia sẻ lợi ích.
Bên cạnh đó tập quán canh tác của bà con với những yêu cầu kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch lẫn chế biến nếu có cũng là một khoản trống cần bù lấp. Đây đều là những thách thức, khó khăn mà công ty và các ban ngành huyện A Lưới sẽ cùng nhau cải thiện trong thời gian tới.
Nguồn https://codokhoinghiep.thuathienhue.gov.vn/
Tài Minh - P.QLCN&TTCN
Cổng thông tin khởi nghiệp quốc tế
Cổng thông tin khởi nghiệp trong nước
Các dự án khởi nghiệp nổi bật
Tin tức mới nhất