Đề xuất lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề xuất thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng bởi “có khả năng tạo đột phá cho tiềm lực của vùng”.

Đề xuất được Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất, sáng 20/7. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Trưởng ngành Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc thành lập trung tâm là “điểm mới”. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 vùng (Bắc, Trung, Nam).

Tại miền Bắc, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) đặt tại Hòa Lạc, đã cơ bản hoàn thành. Trung tâm này đã xây dựng nhiều chính sách nổi trội nhằm khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và có năng lực kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp hội đồng sáng 20/7. Ảnh:

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại phiên họp hội đồng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

Vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước, với số tổ chức nghiên cứu và phát triển chiếm trên 50% của quốc gia. Tại đây có trên 150 cơ sở giáo dục trình độ đại học; có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hơn 500 tổ chức khoa học và công nghệ công lập và ngoài công lập, sàn giao dịch công nghệ thiết bị. Đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế lớn với các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đạt, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua “chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng”. Theo đó việc thành lập Trung tâm “có khả năng tạo đột phá cho tiềm lực khoa học công nghệ của vùng”.

Để vùng Đồng bằng sông Hồng có thể trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, ông Đạt cũng đề xuất ba giải pháp chủ yếu.

Trong đó, việc lập và tổ chức thực hiện quy hoạch về cơ sở nghiên cứu khoa học được cho là “căn cơ, dài hạn”. Lý do, hiện số lượng các cơ sở nghiên cứu trong Vùng nhiều (thuộc nhóm cao nhất nước), nhưng chưa hình thành được mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ mạnh. Năng lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn hạn chế; số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích chưa nhiều; chưa thu hút, đào tạo được nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp thứ hai, đầu tư phát triển, cần tập trung việc phát triển các khu công nghệ cao và các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Hà Nội đã có Khu công nghệ cao Hòa Lạc “có thể là mô hình để các địa phương trong Vùng tham khảo”. Hà Nam cũng có kế hoạch xây dựng khu công nghệ cao theo hướng tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử – bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới… Theo đó “cần hình thành các khu nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tại các tỉnh, thành phố trong vùng, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên…”, Bộ trưởng nói.

Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Đạt đề xuất là “khai thác lợi thế về tiềm lực khoa học và công nghệ của vùng để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nhất là các nghiên cứu định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt.

Ông cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khu công nghệ cao, trong đó có các nội dung về thu hút vốn xã hội phát triển các khu công nghệ cao. Nghị định này cũng quy định về việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 cũng được Bộ tập trung hoàn thiện.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Hôm 11/7, Thủ tướng đã ký Quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, do Thủ tướng làm Chủ tịch. Hội đồng được thành lập nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng – an ninh.

Hải Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *