Công bố báo cáo tổng quan Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam năm 2024

Báo cáo Tổng quan hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam năm 2024 lần đầu tiên được công bố tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia 2024 (TECHFEST Vie Nam 2024) mang đến góc nhìn toàn diện về hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam trong thời gian qua. Báo cáo do Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ và Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát hành, với sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia tư vấn, các đối tác trong nước và quốc tế.

Báo cáo không chỉ cập nhật thông tin dữ liệu về các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hoạt động hỗ trợ KNĐMST, các chính sách, các chương trình thúc đẩy hệ sinh thái KNST quốc gia và hoạt động hợp tác quốc tế, mà còn đưa ra những phân tích sâu sắc, giúp nhận diện cơ hội và thách thức, từ đó đề xuất các khuyến nghị chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và khẳng định vai trò KNST trong nền kinh tế quốc gia.

Báo cáo tập trung vào các nội dung sau:

– Đánh giá thực trạng HSTKNST (Bao gồm các giai đoạn phát triển của HSTKNST Việt Nam quy mô và đặc điểm của doanh nghiệp KNST cũng như xu hướng đầu tư);

– Vai trò của chính sách và sự hỗ trợ từ các cấp (làm rõ sự đóng góp của hành lang pháp lý, các chương trình hỗ trợ, hoạt động hỗ trợ của Bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế);

– Các điển hình tiêu biểu và tôn vinh những sáng kiến nổi bật và vai trò tiên phong của các doanh nghiệp KNST trong hệ sinh thái.

– Vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế, thể hiện qua việc kết nối các đối tác toàn cầu để thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ và tạo nên những giá trị bền vững.

Điểm nổi bật của báo cáo là lần đầu tiên, các khái niệm và thuật ngữ như “doanh nghiệp KNST”, “Hệ sinh thái KNST”, “Tổ chức hỗ trợ KNST”, “Tổ chức cá nhân đầu tư KNST” được định nghĩa chi tiết, rõ ràng. Điều này giúp thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Báo cáo được xuất bản dưới ba định dạng để đáp ứng nhu cầu của độc giả: bản toàn văn bằng tiếng Việt, phục vụ độc giả trong nước; bản tóm tắt tiếng Việt, phù hợp với nhu cầu đọc nhanh, tra cứu thông tin và bản tóm tắt bằng tiếng  Anh, mở rộng phạm vi tiếp cận tới cộng đồng quốc tế, tạo cầu nối đưa hình ảnh HSTKNST Việt Nam ra thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, số lượng doanh nghiệp có sự chênh lệch không đáng kể.

Trong đó, 11 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD, 2 trong số đó đạt trạng thái kỳ lân với định giá trên 1 tỷ USD, gồm Momo và Sky Mavis. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, Việt Nam chưa có thêm kỳ lân mới. Một số doanh nghiệp sáng tạo được đánh giá là “soonicorn” (cận kỳ lân) đang gặp khó khăn trong hoạt động và mở rộng quy mô.

Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ở giai đoạn đầu của vòng đời phát triển với giá trị doanh nghiệp tương đối thấp. Ngoại trừ một số doanh nghiệp đã khẳng định tên tuổi hoặc nhận được vốn đầu tư từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu USD, đa phần các startup Việt vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm, với định giá doanh nghiệp dưới 1 triệu USD.

Báo cáo Tổng quan HSTKNST Việt Nam sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo hằng năm. Ngoài việc phân tích thông tin, báo cáo so sánh, đánh giá với một số HST khu vực và quốc tế và đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục phát triển hệ sinh thái KNST Việt Nam trong những giai đoạn tiếp theo./.

Đỗ Thủy – P.QLCN&TTCN 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *