Thuỵ Sĩ, một quốc gia liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất thế giới của WIPO (World Interllecture Property Organization) (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) trong suốt gần một thập kỷ qua, đã trở thành trường hợp nghiên cứu của rất nhiều học giả. Một trong số những nghiên cứu như thế cho biết 7 bí quyết thành công của Thuỵ Sĩ, trong đó bí quyết số 1 khẳng định: “Đổi mới không thể đến từ một cú bật công tắc”. Thuỵ Sĩ với đặc thù là một quốc gia nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, đã có một lịch sử phát triển khôn ngoan là luôn luôn dựa vào những ý tưởng và về sự cởi mở. Lộ trình xây dựng một môi trường sẵn sàng đón nhận cái mới; tăng cường khả năng cạnh tranh; thúc đẩy toán học và khoa học (STEM) để đảm bảo tiêu chuẩn giáo dục phát triển cùng với tiến bộ công nghệ; ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu chính là các bí quyết trong việc tạo dựng một cái “nôi” cho những ý tưởng mới đơm hoa kết trái.
“Hệ sinh thái” hoàn hảo cho đổi mới sáng tạo xoay quanh trọng tâm là giáo dục đào tạo mà Thuỵ Sĩ tạo dựng được qua nhiều thế hệ chính là mật độ các trường đại học Top 500 cao nhất thế giới tính theo bình quân đầu người; là đặc sản “hệ thống giáo dục kép” gần như là duy nhất trên thế giới (phát triển song song, cân bằng, hài hoà giữa hệ thống trường dạy nghề và hệ thống giáo dục đại học, hai hệ thống bổ sung nhưng không thay thế cho nhau). Điều Thuỵ Sĩ làm được là chứng minh được quan điểm: “Giáo dục học thuật không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”, lý thuyết phải đi đôi với thực hành mới mang lại hiệu quả cao; doanh nhân chỉ có thể hình dung ra những cơ hội kinh doanh tốt nếu họ am hiểu thị trường và nhận thức được nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng. Do vậy, họ cần phải được trang bị những kỹ năng thực hành cần thiết. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nhân ở Thuỵ Sĩ cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia châu Âu khác. Đó chính là thế mạnh số 1 của Thuỵ Sĩ trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hàn Quốc lại có câu chuyện thành công khác. Năm 2021, Hàn Quốc nhảy cóc 5 bậc so với năm 2020 để vươn lên top 5 các quốc gia đổi mới sáng tạo, chỉ đứng sau Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Mỹ và Anh, vượt qua những tên tuổi rất “nặng ký” như Singapore, Nhật Bản… Điều gì đã mang lại kỳ tích này? Câu trả lời thật đáng ngưỡng mộ, nhưng không gây ngạc nhiên. Đó chính là Làn sóng Hàn Quốc (K-wave) (còn gọi là Hallyu, là “hiện tượng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc như phim truyền hình, điện ảnh, nhạc pop, thời trang và trò chơi trực tuyến), IT và những nghiên cứu về y học. Để xác định các lĩnh vực mũi nhọn đó, gây dựng và biến chúng thành lợi thế cạnh tranh số một của đất nước, chuyển Hàn Quốc từ “một người đi siêu nhanh” thành “người đi trước”, quốc gia này đã có một chiến lược theo đuổi nền kinh tế đổi mới thành công, thông qua đầu tư mạnh vào nghiên cứu cơ bản kết hợp với ứng dụng, cải cách hệ thống và dịch chuyển nhân tài. Chi tiêu của Hàn Quốc cho nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cao thứ hai trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Israel. Từ năm 2000 đến năm 2018, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 2,1% GDP năm 2000 lên hơn 4,5%. Mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành “người đi đầu” thay vì chỉ đơn giản là “người đi sau nhanh” để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc cũng có những tiến bộ nhảy vọt về đổi mới sáng tạo. Trong một thập kỷ qua, thế giới chứng kiến quá trình Trung Quốc rũ bỏ thành công thương hiệu “công xưởng của thế giới”, chuyển thành “ông chủ của thế giới” một cách “ngạo nghễ” với nhiều thành tựu về kinh tế mà nòng cốt là một nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc. Để tạo dựng “cơ đồ” đó, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị hết sức căn cơ, trong đó, không thể không kể đến chiến lược thu hút nhân tài. Bằng những chính sách vô cùng khôn ngoan, Trung Quốc đã “nhảy” vào thị trường nhân sự thế giới và nhanh chóng làm khuynh đảo “cuộc chơi” theo cách riêng .
Với mục tiêu đầy tham vọng là chuyển Trung Quốc thành một nền kinh tế dựa vào công nghệ, hướng tới dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ vào năm 2050, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ban hành một “Tầm nhìn chung” có vai trò giống như một đại chiến lược. Chiến lược này một mặt tập trung vào các cải cách trong nước, thiết kế lại hệ thống giáo dục, nâng cao trình độ giáo dục đại học; mặt khác xúc tiến các kế hoạch để đưa lao động nước ngoài có tay nghề cao vào Trung Quốc, bao gồm cả Hoa kiều và công dân nước ngoài.
Chương trình “Về nhà” chính là một sáng kiến dành riêng cho người gốc Hoa, ra mắt năm 2003, do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST) khởi xướng cùng với 35 tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài. Chương trình đã mang lại những thành tựu rất đáng chú ý: hiện đã có tới hơn 4,3 triệu thành viên với hàng nghìn chi nhánh, giúp cho mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc trên toàn thế giới tổ chức thực hiện các kế hoạch tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài. Chương trình “Ngàn nhân tài” là một công cụ ra mắt năm 2008, với mục tiêu ban đầu là thu hút khoảng 2000 nhân tài quốc tế. Tuy nhiên đến năm 2017, Chương trình này đã mang về cho Trung Quốc 7000 “chuyên gia cao cấp”, tăng 3,5 lần so với mục tiêu đề ra. Nhưng “Ngàn nhân tài” không phải là kế hoạch lớn nhất và duy nhất. Nó chỉ là 1 trong 200 kế hoạch tuyển dụng tài năng do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động kể từ đó đến nay. Những kế hoạch này thu được thành tựu to lớn bởi chúng đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng, được ưu tiên hàng đầu thông qua Kế hoạch Phát triển Nhân tài Trung hạn và Dài hạn Quốc gia (2010-2020). Một trong số các mục tiêu của kế hoạch là gia tăng đội ngũ công nhân có tay nghề cao từ 114 triệu đến 180 triệu, với chi tiêu do chính phủ phân bổ cho con người tăng từ 10,75 % GDP của Trung Quốc lên 15 % vào năm 2020. Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: “Mặc dù Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về số lượng nhà khoa học và công nghệ, nhưng nước này vẫn thiếu nhân tài khoa học và công nghệ sáng tạo đẳng cấp thế giới”. Để giải quyết vấn đề này, ông Tập đã ra lệnh ưu tiên thực hiện “Chiến lược rencai” nhằm đạt được sự trẻ hoá quốc gia của Trung Quốc. Chiến lược này có thể tóm tắt là nỗ lực “tập hợp tất cả những bộ óc sáng suốt nhất dưới trời để phục vụ Trung Quốc”.
Vương quốc Anh: Câu chuyện thu hút nhân tài phục vụ chiến lược phát triển đất nước cũng là bài toán ngay cả đối với những cường quốc truyền thống về đổi mới sáng tạo như Vương quốc Anh – một quốc gia có đóng góp to lớn cho sự tiến bộ khoa học của con người. Mục tiêu của Anh là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để phục hồi những tổn thất hậu Covid-19 và “xây dựng đất nước trở lại tốt đẹp hơn”. Chính phủ Anh nhận định: “Chúng ta đang ngồi trên đỉnh của sự thay đổi công nghiệp mang tính biến đổi không giống như bất kỳ sự thay đổi nào mà thế giới đã chứng kiến trước đây. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những cỗ máy vượt quá trí thông minh của con người, trong khi công nghệ lượng tử một ngày nào đó sẽ tính toán những thứ hiện tại không thể thay đổi được, nhưng đó chỉ là hai ví dụ.
Kế hoạch tăng trưởng của nước Anh đã đặt sự đổi mới là một trong ba trụ cột của sự thịnh vượng về kinh tế. Mục tiêu bao trùm là làm cho Vương quốc Anh trở thành trung tâm toàn cầu cho sự đổi mới, đặt sự đổi mới vào trung tâm của mọi thứ ở quốc gia này làm. Bốn trụ cột đã được đưa ra để đảm bảo biến mục tiêu đó thành hiện thực: Phát triển kinh doanh; Con người; Tổ chức; Công nghệ.
Với trụ cột Con người, Anh hướng tới mục tiêu trở thành nơi hấp dẫn nhất cho các tài năng đổi mới. Hiện tại, Anh đang tạo ra một hệ thống nhập cư dựa trên thành tích cá nhân để thu hút những tài năng tốt nhất trên toàn thế giới, bất kể quốc gia xuất xứ, tạo nên một nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mỹ: Từ năm 2009, lần đầu tiên, nước Mỹ đã ban hành Chiến lược đổi mới nhằm đảm bảo cho Mỹ tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế đổi mới nhất thế giới, để phát triển các ngành công nghiệp của tương lai và giúp giải quyết những thách thức quan trọng nhất. Những điểm đáng chú ý của Chiến lược là: Đầu tư hàng đầu thế giới vào nghiên cứu cơ bản; Tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục STEM chất lượng cao; Khai thông con đường cho người nhập cư để thúc đẩy nền kinh tế đổi mới; Xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất hàng đầu thế kỷ 21; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số thế hệ tiếp theo; Thúc đẩy động cơ đổi mới của khu vực tư nhân. Chiến lược này được cập nhật lần thứ nhất vào năm 2011, lần thứ hai vào năm 2015. Ba nhóm sáng kiến đã được đưa ra để tạo ra việc làm có chất lượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đột phá cho các ưu tiên quốc gia. Nhằm tăng cường nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền kinh tế đổi mới, Mỹ đã một mặt tập trung cải thiện kỹ năng kỹ thuật của lực lượng lao động trong nước, mặt khác thu hút nhân tài nước ngoài thông qua cải cách toàn diện chính sách nhập cư, dọn đường để người tài “chảy” đến nước Mỹ.
Kim chỉ nam cho đổi mới của Mỹ đã được thể hiện rất hay qua Tuyên bố của Tổng thống B. Obama ngày 17/11/2010: “Đối với nền kinh tế toàn cầu, chìa khóa cho sự thịnh vượng của chúng ta sẽ không bao giờ là cạnh tranh bằng cách trả lương cho công nhân của chúng ta ít hơn hoặc làm ra những sản phẩm rẻ hơn, chất lượng thấp hơn. Đó không phải là lợi thế của chúng ta. Chìa khóa thành công của chúng ta – như nó đã luôn như thế – là sẽ cạnh tranh bằng cách phát triển các sản phẩm mới, bằng cách tạo ra các ngành công nghiệp mới, bằng cách duy trì vai trò đầu tàu thế giới của chúng ta trong việc khám phá khoa học và đổi mới công nghệ. Nó hoàn toàn cần thiết cho tương lai của chúng ta”.
Hiện nay, nước Mỹ còn thể hiện một tầm nhìn rất xa khi đã xây dựng một “cách tiếp cận thực dụng nhằm tập hợp các nhóm quốc gia lại với nhau để cùng hợp tác về công nghệ nhằm mục tiêu là đi trước Trung Quốc về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ khác được kỳ vọng sẽ xác định nền kinh tế và quân sự của tương lai”.
Mạnh Hùng – P.QLCN&TTCN